Thất bại Phương_Lạp

Lực lượng Phương Lạp phát triển rầm rộ cuối cùng khiến Tống Huy Tông hay biết và rất lo lắng. Phó vận sứ Trần Đình Bá đề nghị điều binh lính kinh kỳ và quân cung nỏ thiện xạ đi trấn áp.

Tống Huy Tông vội hạ lệnh bãi bỏ việc tìm hoa thạch cương để bớt sự bất bình của dân chúng[5], rồi cử hoạn quan Đồng Quán làm Tuyên phù sứ Giang, Triết, Hoài Nam, lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy cùng Đàm Trinh cầm 15 vạn cấm quân cùng quân từ các vùng Tần, Tấn, Phiên, Hán đi đánh Phương Lạp[6][7].Quân Tống vượt Trường Giang, chia binh giữ Kim Lăng, Trấn Giang, rồi chia làm 2 đạo, một sang Đông tăng viện cho Tú Châu, một sang phía Tây tiếp viện cho Hấp Châu.

Tháng giêng năm 1121, Phương Lạp lệnh cho Phương Thất Phật mang 6 vạn quân đến đánh Tú châu. Vương Tử Vũ giữ thành cố thủ, Phương Thất Phật không đánh được. Không lâu sau viện binh của Đồng Quán kéo đến, trong ngoài cùng giáp công đánh Phương Thất Phật thua to, bị giết 9000 người. Phương Lạp rút về cố thủ ở Hàng châu.

Tháng 2 năm 1121, quân Đồng Quán kéo đến bờ sông Thanh Hà, hai cánh quân áp sát lại giáp công. Phương Lạp thua to, thiêu hủy cả quan phù, kho tàng và bỏ chạy trong đêm đó[4].

Tháng 4 năm 1121, Phương Lạp thua trận cuối cùng, 7 vạn quân bị giết. Quân Tống đánh đến động Bang Nguyên, bắt sống Phương Lạp cùng vợ, hai con trai và các thuộc hạ do Phương Phì đứng đầu gồm 52 người.

Đến ngày 24 tháng 8 năm 1121, ông cùng các tướng lĩnh đều bị xử tử. Phương Lạp trước sau xưng hiệu được 7 tháng, không rõ bao nhiêu tuổi.

Dù Phương Lạp chết nhưng các thủ hạ vẫn tiếp tục chống lại triều đình khiến các tướng nhà Tống phải đánh dẹp mãi tới tháng 3 năm 1122 mới hoàn thành. Sau khi lực lượng Phương Lạp bị dẹp, Tống Huy Tông lại phát lệnh bắt dân tìm nộp hoa thạch như trước[8].